Việc gia công xi măng Tam Điệp là một trong những nội dung được quan tâm nhiều. Giải trình về các nội dung thanh tra, TGĐ Vicem Trần Việt Thắng cho biết: sở dĩ có việc điều phối một số thành viên Vicem mua và gia công xi măng rời của Tam Điệp để hạn chế việc chồng lấn giữa các thương hiệu Vicem trên thị trường.
Cùng đó, từ 4-2013, xi măng Tam Điệp cũng bắt đầu có lợi nhuận. Đây cũng là nhiệm vụ mà Vicem phải đảm nhận trước chính phủ là vừa đảm bảo bình ổn giá cho mặt hàng này, đồng thời bảo đảm lợi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận, không thua lỗ. Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Phạm Văn Yên, việc này cũng không nên kéo dài, cần sớm chấm dứt. Dù là công ty con, đơn vị thành viên của Vicem nhưng hoạt động của doanh nghiệp cần cạnh tranh công bằng.
Về điều phối clinke từ các nhà máy phía bắc vào cho xi măng Hà Tiên, TGĐ Vicem Trần Việt Thắng phân tích: clinke là mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý và bình ổn. Phía Nam không đủ tài nguyên đá vôi nên thường phải chuyển clinke từ phía Bắc vào. Việc dự trữ clinke bao giờ cũng phải đảm bảo đủ cho 25 ngày sản xuất nên số lượng tồn kho clinke khoảng 400 - 500 ngàn tấn là hợp lý. Còn việc xi măng Hà Tiên vừa mua nhưng cũng vừa bán clinke lại là câu chuyện điều tiết để đảm bảo hiệu quả kinh tế và chỉ diễn ra tuỳ từng thời điểm.
Tại một số thời điểm, việc vận chuyển clinke từ các trạm nghiệm của xi măng Hà Tiên tại Bình Phước và Kiên Giang thì tính ra giá còn cao hơn cả giá mua clinke vận chuyển từ Bắc vào. Bởi vậy, xi măng Hà Tiên phải sản xuất để bán cho các trạm nghiền nhỏ tại địa phương, nhưng việc này không phải là hoạt động diễn ra thường xuyên mà chỉ là cân đối nguồn hàng và hiệu quả kinh tế tại thời điểm nhất định.